Nghệ An là tỉnh lớn nhất Việt Nam hiện nay nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, với tổng diện tích 16.486,5km2 (theo Tổng cục Thống kê năm 2022), đã từng sáp nhập với tỉnh Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh.
Thông tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn về dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên. Các tỉnh còn lại có tiêu chuẩn về dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.
Nếu dựa theo tiêu chí này, rất nhiều tỉnh, thành phố hiện nay không đủ tiêu chuẩn về quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên; nhiều tỉnh không đáp ứng được cả 2 tiêu chí, như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên…
Bản đồ hành chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: nghean.gov.vn
Nhìn lại lịch sử nước ta, có một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tuy nhiên cũng đã được sáp nhập và rồi lại được tách ra làm tỉnh riêng với tên gọi cũ là tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, ngày 27/12/1975, Quốc hội ban hành nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh với 27 đơn vị hành chính trực thuộc, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Vinh. Đến ngày 12/8/1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh để tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học; có tài nguyên văn hóa phong phú và đặc sắc, quê hương của di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ An còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh cách mạng, là quê hương của nhiều chí sĩ yêu nước, đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hoá kiệt xuất được cả thế giới công nhận.
Bác Hồ về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn – Nghệ An). Ảnh tư liệu.
Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Từ đó, danh xưng Nghệ An trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta với 16.486,5km2 (Tổng cục Thống kê năm 2022), có đầy đủ các loại địa hình bao gồm núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển; phía Đông giáp biển, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 468km đường biên giới trên bộ, bờ biển ở phía Đông dài 82km. Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam theo Quốc lộ 7 đến Cảng Cửa Lò.
Thực hiện Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025, kể từ ngày 1/12/2024, tỉnh Nghệ An có 20 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: 1 thành phố, 2 thị xã và 17 huyện; với 412 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ; 2 thị xã gồm: Thị xã Hoàng Mai và thị xã Thái Hoà; 17 huyện gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Thành phố Vinh bừng sáng với những ánh đèn lấp lánh và các tòa cao ốc mới mọc lên. Ảnh: Sách Nguyễn/Baonghean.vn
Nghệ An có vị trí chiến lược trên tuyến giao thông Bắc – Nam và Đông – Tây; có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc – Nam, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ hoạt động kinh tế, đầu tư và du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực.
Đặc biệt, Nghệ An kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông và là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế. Đến nay, Nghệ An đang phát triển trở thành một địa phương năng động và vươn mình trỗi dậy đầy sức sống trong sự hội nhập và phát triển của đất nước, trở thành động lực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ. Trong 3 năm liên tiếp, 2022-2024, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước.
Cửa Lò là thị xã du lịch biển nổi tiếng nhất Nghệ An và là một trong những điểm đến quen thuộc với du khách cả nước. Ảnh: Sách Nguyễn/Baonghean.vn
Theo Niên giám thống kê năm 2023, dân số trung bình của tỉnh Nghệ An năm 2022 là 3.419.989 người. Mật độ dân số 207 người/km². Trong đó, dân số thành thị là 530.452 người, chiếm 15,51%; dân số nông thôn là 2.889.537 người, chiếm 84,49%; dân số nam là 1.711.827 người, chiếm 50,05%; dân số nữ là 1.708.162 người, chiếm 49,95%. Trong tỉnh hiện có trên 500.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (gồm các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu… cùng sinh sống).
Năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Nghệ An là 1.623,1 nghìn người; trong đó lao động nam là 867,7 nghìn người, chiếm 53,46%; lao động nữ là 755,4 nghìn người, chiếm 46,54%; lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 252,3 nghìn người, chiếm 15,55%; lực lượng lao động ở nông thôn là 1.370,8 nghìn người, chiếm 84,45%.
Năm 2024, Nghệ An tăng trưởng GRDP ấn tượng
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An có những chuyển biến rất tích cực; dự kiến hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,01%, (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 3 Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (sau Thanh Hoá, Khánh Hoà) và thứ 13 cả nước); trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,14%; khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 13,61% (riêng công nghiệp tăng 15,82%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,88%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 8,08%.
Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, vượt 49,3% dự toán, vượt 10,4% thực hiện năm 2023 (là năm thứ 3 liên tiếp vượt mốc 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tiệm cận chỉ tiêu thu ngân sách của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19); trong đó, thu nội địa ước thực hiện 22.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.650 tỷ đồng. Có 19/21 huyện, thành phố, thị xã đều vượt dự toán thu do HĐND tỉnh giao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Luỹ kế đến cuối năm 2024, dự kiến toàn tỉnh có 327 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 79,56% tổng số xã (trong đó có 127 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM.