Trong lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất Phương Nam, hai tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp từng là một phần của tỉnh Định Tường, tỉnh Đồng Tháp Mười. Năm 1976, tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Đồng Tháp được gọi là “xứ sen hồng”, trong khi Tiền Giang được coi là “vương quốc trái cây”.
Tiền Giang – vương quốc trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, trước thế kỷ XVII, đất Tiền Giang thuộc Chân Lạp. Từ thế kỷ XVII, vùng Tiền Giang được người Việt – từ miền Trung và miền Bắc, trong đó phần lớn là từ vùng Ngũ Quảng – đến khai hoang và định cư.
Tháng giêng năm Canh Tý (1780), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi chúa, đổi tên dinh Trường Đồn thành dinh Trấn Định, dời lỵ sở về thôn Mỹ Chánh (Mỹ Tho).
Từ đó, Mỹ Tho trở thành trung tâm chính trị, hành chính, quân sự, văn hoá và kinh tế của một vùng. Đời Gia Long (1802), đơn vị dinh được đổi thành trấn.
Lúc bấy giờ ở Nam kỳ có 5 trấn: Biên Hoà, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long và Hà Tiên; lại đặt thêm thành Gia Định thống lĩnh 5 trấn này. Đất Tiền Giang bấy giờ thuộc trấn Định Tường (thành Gia Định).
Thời Pháp thuộc (1862-1945), theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp đô hộ.
Từ năm 1872, thực dân Pháp bỏ hẳn cả hệ thống hành chính lục tỉnh và phủ huyện cũ. Nam Kỳ được chia thành 18 hạt và 2 thành phố (Sài Gòn, Chợ Lớn). Địa bàn tỉnh Định Tường chia ra cho 5 hạt. Năm 1876, tỉnh Định Tường chính thức bị Pháp giải thể.
Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương vào ngày 20/12/1899 thì kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900, đổi tất cả các hạt ở Nam Kỳ thành tỉnh.
Địa bàn tỉnh Định Tường cũ chia ra thành 5 tỉnh giống như thời kỳ trước đây: tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Tân An, tỉnh Châu Đốc, tỉnh Long Xuyên và tỉnh Sa Đéc và kéo dài cho đến năm 1956.
Năm 1957, chính quyền cách mạng nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho làm một đơn vị và gọi là tỉnh Mỹ Tho, bao gồm thị xã Mỹ Tho và các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công.
Ngày 24/8/1967, Trung ương Cục miền Nam đã chuẩn y tách thị xã Mỹ Tho ra khỏi tỉnh Mỹ Tho, đồng thời nâng thị xã lên thành TP.Mỹ Tho trực thuộc Khu 8, là một đơn vị hành chính ngang bằng với tỉnh Mỹ Tho.
Như vậy cho đến năm 1976, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho là 3 đơn vị hành chính ngang bằng nhau.
Cảng du thuyền TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN.
Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc “nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước”.
Theo Nghị quyết này, tỉnh Long An, tỉnh Bến Tre, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.
Đến ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.
Ngày 24/2/1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Tiền Giang.
Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng năm 2024 của Tiền Giang chiếm 47% về trị giá trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh. Ảnh: Báo Ấp Bắc.
Nằm ven sông Tiền, có hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh rất có lợi thế để phát triển các vườn cây ăn trái, chính vì vậy, Tiền Giang đã trở thành “vương quốc trái cây” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước với hơn 84.000 ha, hàng năm cho sản lượng trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu như: sầu riêng, mít, thanh long, xoài cát Hòa Lộc,…
Năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả của Tiền Giang đã đạt khoảng 46.528 tấn, với kim ngạch hơn 112 triệu USD, tăng hơn 86% về lượng và tăng gần 79% về trị giá so với cùng kỳ. Một trong những điểm đáng chú ý là xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng năm 2024 của Tiền Giang chiếm 47% về trị giá trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh.
Theo ghi nhận từ các cơ quan chuyên môn, xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là trái cây xuất đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả ngay từ đầu năm.
Với sự trỗi dậy của nhóm hàng rau quả, cùng với việc duy trì mức độ tăng trưởng ổn định của các nhóm ngành hàng khác, dự kiến cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang đạt 6 tỷ USD, đạt 120% kế hoạch năm 2024, tăng 10% so cùng kỳ.
Đồng Tháp – xứ sở của sen hồng, có 500 mặt hàng từ sen
Thông tin trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Đồng Tháp xưa kia nằm trong vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu do các lưu dân người Việt ở phía Bắc vào khai phá lập nghiệp hình thành nên các vùng dân cư.
Cùng với công cuộc Nam tiến của các dòng di dân tự nhiên, các Chúa Nguyễn cũng dần xác lập chủ quyền và thiết đặt bộ máy cai trị.
Đến triều Nguyễn, ban đầu vùng đất nay thuộc Đồng Tháp nằm trên đất phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh và phủ Kiến An, trấn Định Tường.
Năm 1832, vua Minh Mạng thực thi công cuộc cải cách hành chính rộng lớn, thành lập 6 tỉnh tại Nam kỳ (gọi là Nam kỳ lục tỉnh) gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trong đó, Đồng Tháp thuộc các huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên (tỉnh An Giang) và huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An (tỉnh Định Tường).
Năm 1862, bằng Hòa ước ký với triều đình Huế, thực dân Pháp chiếm 03 tỉnh miền Đông và bắt tay vào việc tổ chức bộ máy cai trị bằng cách xóa bỏ các phủ huyện cũ dưới triều Nguyễn lập thành các đơn vị hành chính mới gọi là Khu Thanh tra.
Năm 1870, toàn bộ Nam kỳ có 25 Khu Thanh tra, đến năm 1871 rút xuống còn 18 khu. Trong đó, địa giới tỉnh Đồng Tháp ngày nay nằm chủ yếu trong Khu thanh tra Sa Đéc gồm 03 huyện: Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên.
Năm 1913, bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long đồng thời thành lập thêm quận Cao Lãnh. Cho đến tháng 8/1945, địa giới hành chính tỉnh Đồng Tháp chủ yếu nằm trong tỉnh Sa Đéc.
Đồng Tháp có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VGP.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Sa Đéc thuộc Chiến khu 8 miền Trung Nam Bộ. Ngày 12/9/1947, theo Chỉ thị của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ thành lập tỉnh Long Châu Tiền trên cơ sở một phần các tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên.
Năm 1950, tỉnh Đồng Tháp Mười được thành lập từ 29 xã của các huyện: Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho); Cao Lãnh (tỉnh Sa Đéc) và Mộc Hóa (tỉnh Tân An).
Năm 1951, tỉnh Long Châu Tiền sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Long Châu Sa. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại cho đến năm 1954 bị xóa bỏ để khôi phục lại các tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc như cũ.
Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc. Theo Nghị quyết này, dự kiến hợp nhất các tỉnh cũ thành 21 tỉnh mới trong toàn quốc, trong đó 03 tỉnh: Long Châu Tiền, Sa Đéc, Kiến Tường được dự kiến sáp nhập thành 01 tỉnh mới.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình thực tế ở miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất một số tỉnh từ Khu 6 trở vào, trong đó tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong cũ được hợp nhất.
Trên cơ sở đó, tháng 02/1976, bằng Nghị định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tỉnh Đồng Tháp chính thức được thành lập từ việc hợp nhất 02 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong.
Đến năm 1994, nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển vùng Đồng Tháp Mười đầy tiềm năng, trung tâm tỉnh lỵ được dời về Cao Lãnh. Đồng Tháp cũng là địa phương đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 03 thành phố trực thuộc tỉnh.
Đồng Tháp phát triển khoảng 500 mặt hàng từ sen. Ảnh: Báo Đồng Tháp.
Đồng Tháp còn được mệnh danh là xứ sen hồng, các dòng sản phẩm từ sen Đồng Tháp rất đa dạng hóa với khoảng 500 mặt hàng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tiếp tục tạo đòn bẩy trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp dành các chính sách hỗ trợ, lồng ghép các đề án, chương trình tác động lớn đến sự chuyển biến kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 333 doanh nghiệp chế biến nông sản, trong đó, có 49 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến giai đoạn 2021-2024 ước đạt 4.681,15 triệu USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,21%. Hàng hóa nông sản của Đồng Tháp phát triển mạnh, có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Gạo và thủy sản đông lạnh là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng ngành hàng gạo xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2024 tăng 40,58%, xuất khẩu qua 36 quốc gia.
Sản phẩm cá tra và chế biến từ cá tra được các doanh nghiệp xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Mặt hàng xoài không chỉ có mặt tại các hệ thống siêu thị, nhà phân phối trong nước mà còn tiếp cận các thị trường khó tính như: Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, EU…
Năm 2024, ngành hàng lúa gạo có giá trị sản xuất ước đạt 17.572 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. Ngành hàng xoài có giá trị sản xuất cả năm ước đạt 2.573 tỷ đồng, tăng gần 33,6% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng năm 2024 ước đạt 5.251 tỷ đồng, tăng gần 12,8% so với năm 2020.
Giá trị sản xuất ngành hàng cá tra ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 18,63% so với năm 2020. Ngành hàng sen có giá trị sản xuất ước đến cuối năm đạt trên 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.